Đoàn Giỏi viết Đất rừng phương Nam như thế nào?

Posted on | 584 words | ~3 mins

Không ai là không biết đến Đất rừng phương Nam của Đoàn Giỏi, đừng vội bàn đến cốt truyện, đây là một tác phẩm mô tả chi tiết, tường tận về thiên nhiên phong phú và phì nhiêu của miền Nam, thông qua kiến thức và kinh nghiệm sống của ông trong Nam. Đây là một trong những đầu sách tiêu biểu của trong tủ sách “thiếu nhi Miền Nam” của NXB Kim Đồng - cũng là nơi đầu tiên cuốn sách được xuất bản. Nhưng ít ai biết được câu chuyện hài hước đằng sau cuốn sách này, về việc nó được ra đời gấp rút như thế nào.

Chuyện rằng Nguyễn Huy Tưởng sau khi mới thành lập nhà xuất bản Kim Đồng, đã đặt hàng nhà văn Đoàn Giỏi, là một nhà văn Nam Bộ vừa được tập kết ra Bắc, một tác phẩm cho tủ sách “Thiếu nhi miền Nam”. Đối với người dân phía Bắc, hiếm có người từng đi quá vĩ tuyến 17, miền Nam luôn là một cái gì đó xa xôi khó hiểu, có lẽ lý do Nguyễn Huy Tưởng muốn một tác phẩm về Nam Bộ, một phần để đưa tới độc giả ở đây tiếp cận với thiên nhiên, con người miền Nam thông qua văn chương, cũng là một cách “quảng cáo” cho nhà xuất bản còn non trẻ của mình. Nguyễn Huy Tưởng cho Đoàn Giỏi bốn tháng để hoàn thành bản thảo, Đoàn Giỏi mới nói lại với Nguyễn Huy Tưởng là hãy chuyển tiền nhuận bút trước cho ông, để ông có thể an tâm mà sáng tác. Bẵng cái hết bốn tháng, Nguyễn Huy Tưởng lúc này mới đến gặp Đoàn Giỏi để xem bản thảo mà còn chỉnh sửa, thì Đoàn Giỏi mới ớ người ra hỏi là bản thảo nào? Lúc này ông mới nhớ ra rằng là mình đã ăn chơi bốn tháng mà quên béng mất đơn đặt hàng của người anh miền Bắc. Trước thái độ giận dữ của Nguyễn Huy Tưởng, Đoàn Giỏi đành trấn tĩnh bằng câu, đại ý là: “Thôi ông cứ đi về đi, đúng hai tuần nữa đến gặp tôi, không được giục hay cho người đến giục, không được đến làm phiền, tôi hứa sẽ có bản thảo cho ông”. Bán tính bán nghi, nhưng tiền thì đã đưa rồi, Nguyễn Huy Tưởng đành phải tin lời của Đoàn Giỏi. Đúng hai tuần sau, Nguyễn Huy Tưởng đến nhà Đoàn Giỏi để đòi văn, thì thấy cửa giả không khoá, cứ tưởng nhà văn đã trốn mất nhưng đi vào nhà thì thấy Đoàn Giỏi nằm bất tỉnh co giật trên sàn, xung quanh vương vãi vỏ bánh mì mốc khắp nơi, còn bản thảo đã được viết xong nằm ngay ngắn trên bàn. Hoá ra vì cày bản thảo mà Đoàn Giỏi đã quyến tâm chôn chân tại bản làm việc suốt hai tuần, ăn bánh mì suông và uống nước lã để kịp ra văn cho đúng hạn. Nguyễn Huy Tưởng hốt hoảng cáng ngay Đoàn Giỏi lên xích lô để đưa ông vào viện cấp cứu, còn bản thảo thì cho đi xếp chữ in luôn chứ khỏi phải chỉnh lý gì nữa. Cùng năm 1957, Đất rừng phương Nam ra đời và gây nên một tiếng vang lớn cho cộng đồng độc giả khắp nơi. Có lẽ đây cũng là tác phẩm hay nhất của nhà văn trong cuộc đời sáng tác của mình.